Khi nghệ thuật hoá thân lịch sử

Sự kiện lịch sử bi hùng trôi qua đã 50 năm, khi 13 chiến sỹ thanh niên xung phong (11 nữ, 2 nam) của Tiểu đội 2 (gồm 14 chiến sỹ), Đại đội 317, Tổng đội Thanh niên xung phong Nghệ An kiên cường bám đường đến phút chót cuộc chiến tranh và anh dũng hy sinh ở tọa độ lửa Truông Bồn sáng ngày 31 tháng 10 năm 1968, thời khắc mà chỉ mấy tiếng đồng hồ nữa (ngày 1/1/1968), Lệnh tạm dừng ném bom miền Bắc Việt Nam của Tổng thống Mỹ có hiệu lực. Họ, những người đang còn ở độ tuổi thanh xuân ấy, đã không đến kịp khoảnh khắc hòa bình cận kề. Họ trở thành biểu tượng anh hùng cao đẹp, như biết bao tấm gương cao cả của dân tộc ta trong sự nghiệp bảo vệ, thống nhất non sông, xây dựng Việt Nam giàu mạnh, trường tồn. Bấy lâu nay, nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng đã có nhiều tác phẩm viết về Tiểu đội Cảm tử Truông Bồn, Tiểu đội Thép Truông Bồn, nhưng ở loại hình sân khấu thì “Hoa lửa Truông Bồn” là tác phẩm đầu tiên.

Cảnh trong vở  Hoa lửa Truông Bồn

Kịch bản: PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ; Chuyển thể dân ca Nghệ Tĩnh: Nguyễn An Ninh; Đạo diễn: NSND Lê Hùng…do Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ dàn dựng, biểu diễn, đã đem lại nhiều xúc cảm thẩm mỹ và hiệu ứng bất ngờ cho khán giả sau 3 đêm diễn liên tục tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (20, 21, 22/1/2019).