Các buổi diễn thuộc dự án Acecook Happiness Concert gần đây đã làm thay đổi quan điểm của nhiều khán giả rằng nhạc giao hưởng chỉ có thể diễn trong khán phòng.
Nghệ thuật không khán giả đâu còn ý nghĩa?
Giây phút Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam chơi những tác phẩm dân ca kinh điển như “Se chỉ luồn kim” và “Trống cơm” khiến người nghe phải trầm trồ thán phục.
Trước đó, Dàn nhạc Giao hưởng London (London Symphony Orchestra) đã trình diễn đêm duy nhất tại quảng trường Tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội), thu hút sự chú ý của công chúng. Các nghệ sĩ biểu diễn 8 tác phẩm: “Tiến quân ca” (Văn Cao), “Vũ khúc Slovanic” (Antonin Drovak), “Niềm kiêu hãnh Gypsy” (Pablo de Sarasate), “Bản giao hưởng số 5” (Jean Sibelius), “Đoản khúc Giấc mộng đêm hè” (Felix Mendelssonhn), “Vũ khúc Ba Lan”…
Vẫn còn ý kiến cho rằng “đem nhạc giao hưởng ra phố là không tôn trọng tính nghệ thuật hàn lâm của các tác phẩm kinh điển, không xem trọng các nghệ sĩ tài năng. Cứ xem múa ba lê ở phố đi bộ thì còn ra thể thống gì?” nhưng theo giới chuyên môn, “nghệ thuật mà không có khán giả thì đâu còn ý nghĩa”.
Và thế là, nhạc giao hưởng thoát ra khỏi cánh cửa nhà hát và tràn xuống phố, đến siêu thị để đến gần với khán giả đại chúng.
Nhạc trưởng Trần Nhật Minh chia sẻ: “Chúng tôi – những nghệ sĩ nhạc giao hưởng được đào tạo từ nước ngoài về – luôn ấp ủ mang giao hưởng đến gần hơn với đại đa số công chúng, đặc biệt là những khán giả trẻ. Đó là lý do những kế hoạch về các buổi diễn, workshop ở Nhà Văn hóa Thanh niên (TP HCM) nhằm cập nhập kiến thức nhạc giao hưởng cho khán giả luôn được thực hiện. Hiệu quả không nhanh như mong đợi nhưng rõ ràng, chúng tôi đã có được những thành tựu nhất định trong bước đi tiên phong của mình. Điều đó càng chứng minh chúng tôi không sai khi đem nhạc giao hưởng ra khỏi khán phòng nhà hát”.
Nỗ lực đem giao hưởng đến công chúng
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn từng bỏ tiền túi của mình để thành lập dàn nhạc Saigon Big band gồm các nhạc cụ như trống, bộ gõ, kèn đồng, kèn gỗ hoặc có bổ sung piano, contre-bass…
“Một thành phố muốn có đời sống âm nhạc thì không thể thiếu dàn nhạc giao hưởng và dàn Big Band. Lối chơi jazz kiểu Big Band đã rất phổ biến trên thế giới nhưng vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam, nhất là tại TP HCM. Vì thế, Saigon Bigband ra đời vừa tạo một cơ hội trình diễn mới cho nhiều tài năng jazz vừa đem lại cho khán giả TP HCM một “thực đơn” âm nhạc hoàn toàn mới với một danh mục biểu diễn đầy đặn, từ kinh điển quốc tế tới tình khúc vượt thời gian Việt Nam” – nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn khẳng định.
Để tiếp thị cho dàn nhạc của mình, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn không ngại đưa Saigon Big Band ra biểu diễn ở không gian mở, trước Nhà hát Thành phố. Những tác phẩm quen thuộc của nước ngoài như “Angel Eyes”, “Nature Boy”, “I Fall In Love Too Easily”… hay những tác phẩm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như: “Ru tình”, “Diễm xưa”.. luôn đủ sức níu chân khán giả.
Là một trong những nhà sáng lập Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Sài Gòn SPYO, nghệ sĩ Thanh Bùi chia sẻ mục tiêu của anh là đưa nhạc cổ điển đến gần với khán giả hơn, đặc biệt là giới trẻ. SPYO sẽ ra mắt những buổi diễn cộng đồng trước Nhà hát Thành phố vào mỗi tuần để giao lưu và truyền cảm hứng âm nhạc giao hưởng thính phòng đến công chúng.
Nguồn: NLĐ