LÉONARD TSUGUHARU FOUJITA

Google Doodle ngày 27/11 đã vinh danh cố họa sĩ Léonard Tsuguharu Foujita nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh của ông, họa sĩ người Nhật gốc Pháp, từng triển lãm tranh tại Việt Nam.


Họa sĩ Léonard Tsuguharu Foujita sinh ngày 27/11/1886 ở Tokyo, Nhật Bản, mất ngày 29/1/1968 ở Zurich, Thụy Sỹ. Ông được vinh dự là nghệ sĩ Nhật Bản quan trọng nhất làm việc ở phương Tây trong thế kỷ 20.
Phong cách vẽ của Léonard Tsuguharu Foujita theo trường phái kỹ thuật mực Nhật Bản. Ông đã thành công khi áp dụng cách vẽ này vào các bức tranh phương Tây, điển hình là trong Bộ sách về Mèo xuất bản ở New York năm 1930, và đây cũng là cuốn sách nổi tiếng nhất về loài mèo từng được xuất bản trên thế giới.


Năm 1941, Hội Giao lưu Văn hóa quốc tế và Viện Mỹ thuật Hoàng gia Nhật Bản tổ chức hai cuộc triển lãm tiếp nối nhau tại Nhà Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội), lần đầu triển lãm tranh lụa và tranh khắc gỗ thuyền thống Nhật Bản, lần hai là triển lãm các tác phẩm hiện đại bằng chất liệu sơn dầu. Foujita có trách nhiệm sang Việt Nam cùng một nhóm họa sĩ cách tân của Nhật. Tại Hà Nội, ông gặp lại người bạn xưa đã từng quen biết ở Paris vào năm 1925, họa sĩ Nam Sơn (Nguyễn Văn Thọ), một trong những họa sĩ đầu tiên của Việt Nam ở trường Mỹ thuật quốc gia Pháp, và là người đồng sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương với Victor Tardieu, (thành lập năm 1925 tại Hà Nội). Tại cuộc triển lãm này, Foujita đã chứng tỏ là một họa sĩ bậc thầy, lấy được lòng tin của giới mỹ thuật Việt Nam lúc bấy giờ.


Những ngày tháng ở Hà Nội, Foujita và Sekiguchi mỗi buổi chiều đều đến xưởng họa của Nam Sơn ở 68 Nguyễn Du để vẽ, và nhờ Nam Sơn tìm giùm người mẫu. Tại đây, Foujita đã thực hiện các bức Thiếu nữ Hà Nội, Con đê Hà Nội, Ngôi nhà cũ ở Hannam…
Vào những ngày tháng đó, tờ Tràng An Báo xuất bản ở Huế đã theo rất sát các hoạt động của họa sĩ Foujita. Tràng An Báo số 879 (21/10/1941) đăng bài “Họa sỹ Nhật Foujita phê bình hội họa Việt Nam ca tụng nước ta rất có thiên tài”. Bài báo dẫn phát biểu của Foujita: “Hội họa Việt Nam thật là một mỹ thuật đặc sắc, không giống hội họa Tàu, cũng không giống hội họa Nhật và Âu châu. Hội họa Việt Nam thật đặc biệt Á đông. Với những màu sắc tinh tế, với những nét vẽ mềm mại, đều đặn. Mỹ thuật Việt Nam có lẽ là một mỹ thuật đặc biệt. Có lẽ hiện nay đang còn thiếu một ít sự táo bạo, nhưng rồi sự táo bạo ấy sẽ có nay mai… Tôi rất thích những bức vẽ tôi đã được xem, cả những tấm bình phong toàn là những tác phẩm rất đẹp và hiếm có. Những tác phẩm đó chứng tỏ rằng những họa sĩ Việt Nam rất có thiên tài về mỹ thuật…”.